Béo phì: Kẻ thù “lặng thầm” của sức khỏe nhân loại và những điều cần biết

Béo phì, căn bệnh được ví như “kẻ thù thầm lặng”, đang âm thầm đe dọa sức khỏe con người trên toàn cầu. Hiểu rõ về béo phì, bao gồm nguyên nhân, tác hại và cách phòng ngừa, là chìa khóa để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

như thế nào được gọi là béo phì

Béo phì là gì?

Béo phì trong tiếng Anh được gọi là “obesity”,  là tình trạng cơ thể có lượng mỡ thừa tích tụ nhiều đến mức có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và ngày càng phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước phát triển. 

Béo phì thường được đánh giá thông qua chỉ số khối cơ thể (BMI), được tính bằng cách lấy cân nặng của một người (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Cụ thể:

bang-chi-so-bmi cho biết mức độ béo phì hay bình thường

  • BMI từ 18,5 đến 24,9: Trọng lượng bình thường
  • BMI từ 25 đến 29,9: Thừa cân
  • BMI từ 30 đến 34,9: Béo phì độ 1 
  • BMI từ 35 đến 39,9: Béo phì độ 2
  • BMI ≥ 40: Béo phì độ 3

(Cách tính chỉ số: BMI = Trọng lượng cơ thể (kg) / [ chiều cao (m)]2) 

Xác định béo phì là bước quan trọng để đánh giá nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến cân nặng như tiểu đường, cao huyết áp, và bệnh tim mạch. Việc xác định sớm và chính xác giúp đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.

Tỷ lệ béo phì ở Việt Nam so với thế giới

Tuy chỉ xếp thứ 200/200 về tỷ lệ béo phì với 2,11% dân số, Việt Nam vẫn không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới khi chứng kiến số lượng người béo phì gia tăng đáng báo động.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy số người béo phì trên toàn cầu đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ người, tăng gấp 5 lần so với năm 1990.  Trong đó, thế hệ 9x, vốn sinh ra khi tỷ lệ béo phì trung bình toàn thế giới chỉ 4,3%, nay đang góp phần không nhỏ vào “đại dịch” này. 

tỷ lệ béo phì trên thế giới và việt nam

Hiện nay, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người béo phì. Việt Nam đóng góp 2 triệu ca trong tổng số 1 tỷ người béo phì. Mặc dù con số này còn thấp so với các quốc gia như Mỹ (77 triệu người béo phì), Trung Quốc (66,5 triệu) hay Ấn Độ (47 triệu), vấn đề béo phì tại Việt Nam vẫn cần được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân của béo phì?

Béo phì là một vấn đề phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả yếu tố sinh học, môi trường, hành vi và tâm lý. Dưới đây là các nguyên nhân chính gây ra béo phì:

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Tiêu thụ nhiều calo: Ăn quá nhiều thực phẩm chứa lượng calo cao nhưng ít chất dinh dưỡng như thức ăn nhanh, đồ ngọt, nước ngọt có gas và thực phẩm chế biến sẵn khiến cơ thể dẫn đến tích tụ mỡ thừa.

Chất béo và đường: Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường nhưng ít chất dinh dưỡng cũng góp phần lớn vào béo phì.

nguyên nhân dẫn đến béo phì

Thiếu chất xơ: Chất xơ tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ tiêu hóa, giúp kiểm soát lượng calo nạp vào. Việc thiếu hụt chất xơ do ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít rau xanh, trái cây là nguyên nhân khiến bạn dễ tăng cân.

Thiếu vận động

Công việc văn phòng, thời gian dài ngồi trước máy tính, và thiếu hoạt động thể chất hàng ngày là các nguyên nhân chính. Không tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc tập thể dục đều đặn làm lượng mỡ tích tụ tăng và giảm lượng calo được đốt cháy.

Yếu tố di truyền

Gen di truyền có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ cơ thể mà một người lưu trữ và cách cơ thể chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng. Những người có cha mẹ hoặc ông bà bị béo phì có nguy cơ cao hơn bị béo phì.

Yếu tố tâm lý

Căng thẳng, trầm cảm, và các trạng thái tâm lý tiêu cực khác có thể dẫn đến ăn uống quá mức hoặc không lành mạnh như một cách để giải tỏa cảm xúc.

Các yếu tố y tế và dược phẩm

Một số bệnh như suy giáp, hội chứng Cushing và buồng trứng đa nang có thể gây tăng cân. Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, và thuốc chống loạn thần có thể gây tăng cân như một tác dụng phụ.

Yếu tố môi trường và xã hội

Môi trường sống thiếu không gian sân chơi, công viên để tập thể dục, khiến mọi người ít vận động hơn, dẫn đến nguy cơ béo phì cao hơn. Một số nghiên cứu cho thấy ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, có thể ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết tố và trao đổi chất cũng dẫn đến tăng nguy cơ béo phì.

Ngoài ra, những người có thu nhập thấp hoặc sống trong khu vực có ít sự tiếp cận với thực phẩm lành mạnh và cơ sở vật chất để tập thể dục có nguy cơ cao hơn bị béo phì.

Thói quen lối sống

Thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ hoặc chế độ ăn uống thất thường, ăn không đúng bữa, ăn đêm và ăn vặt thường xuyên cũng góp phần vào tăng cân.

Hậu quả khủng khiếp của thừa cân, béo phì

Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý và chất lượng cuộc sống. Dưới đây là các hậu quả chính của béo phì:

Hệ lụy về sức khỏe

  • Bệnh tim mạch

Một trong những hậu quả đáng lo ngại nhất là các bệnh tim mạch, bao gồm bệnh mạch vành, đau tim và đột quỵ. Nguyên nhân là do béo phì làm tăng mức cholesterol và huyết áp, gây áp lực lên hệ thống tim mạch.

Theo thống kê, 78% nam giới và 60% phụ nữ cao huyết áp đều có cân nặng ở mức thừa cân hoặc béo phì. Chỉ số BMI tăng 5 đơn vị làm tăng nguy cơ cao huyết áp 1,5 lần, vòng bụng tăng 10cm khiến nguy cơ cao huyết áp tăng 1,25 lần.

hậu quả của bệnh béo phì nguy hiểm

  • Huyết áp cao 

Đây là một biến chứng phổ biến của béo phì. Mỡ thừa làm tăng áp lực lên thành mạch máu, buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Việc này dẫn đến tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch nguy hiểm.

  • Bệnh tiểu đường 

Béo phì là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 do tình trạng kháng insulin. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, 87% người bệnh đái tháo đường bị thừa cân hoặc béo phì. Trẻ vị thành niên bị béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gia tăng khi trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy, tăng cân 8 – 10kg có thể khiến nguy cơ đái tháo đường tăng 2,7 lần.

  • Ngưng thở khi ngủ 

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra do béo phì. Mỡ thừa ở vùng cổ có thể gây tắc nghẽn đường thở khi ngủ, dẫn đến ngưng thở tạm thời, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và gây mệt mỏi ban ngày.

  • Gây vô sinh ở cả nam và nữ

Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do thay đổi chức năng của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Béo phì làm tăng insulin máu, liên quan đến bệnh sinh của buồng trứng đa nang, giảm nồng độ testosterone trong máu, dẫn đến rối loạn cương dương, vô sinh ở nam giới, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.

  • Thoái hóa khớp sớm

Người béo phì thường thoái hóa khớp hoặc mắc các bệnh lý xương khớp sớm hơn người có cân nặng bình thường. Nguy cơ thoái hóa khớp háng và phải phẫu thuật thay khớp ở người béo phì cao gấp 1,12 lần so với người bình thường.

béo phì gây ra thoái hóa khớp

  • Bệnh gan và ung thư

Bệnh gan nhiễm mỡ cũng là một biến chứng nguy hiểm của béo phì. Mỡ thừa tích tụ trong gan có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan và suy gan.

Ngoài ra, béo phì còn làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư thực quản. 

Do vậy, việc kiểm soát cân nặng hợp lý là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.

Hệ lụy về tâm lý

Người béo phì có nguy cơ cao mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo âu, do cảm giác tự ti về ngoại hình và sự kỳ thị từ xã hội. Cảm giác xấu hổ, mặc cảm, dẫn đến việc bị cô lập hoặc tự cô lập bản thân với thế giới bên ngoài, hạn chế giao tiếp, tụ tập bạn bè và gây trầm cảm. 

Việc thừa cân, béo phì dẫn đến di chuyển chậm chạp, vận động khó khăn khiến người béo phì giảm khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội và thể thao. Những điều này đều gây ảnh hưởng về tâm lý và chất lượng cuộc sống của chính họ.

Hậu quả về kinh tế và xã hội

Việc điều trị các bệnh liên quan đến béo phì như tim mạch, tiểu đường, xương khớp… đòi hỏi nhiều nguồn lực y tế và chi phí cao, gây gánh nặng kinh tế cho cả cá nhân và xã hội.

Béo phì có thể dẫn đến mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm khả năng làm việc, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và năng suất lao động, làm giảm thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống bản thân và gia đình.

Hậu quả về tuổi thọ

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, ngoại hình và chất lượng cuộc sống, béo phì còn tiềm ẩn nguy cơ giảm tuổi thọ đáng kể. Theo thống kê, người béo phì có nguy cơ tử vong sớm cao hơn so với người có cân nặng bình thường. 

Phòng ngừa và điều trị béo phì bằng cách nào?

Béo phì là vấn đề sức khỏe phổ biến ngày nay, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Để phòng ngừa bệnh béo phì hiệu quả, chúng ta cần áp dụng lối sống lành mạnh, bao gồm:

Xem xét chế độ ăn 

Xem xét lại chế độ ăn hiện tại, để điều chỉnh và xây dựng một chế độ ăn lành mạnh và khoa học hơn: 

  • Hạn chế tối đa việc tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ đông lạnh, nhiều dầu mỡ.
  • Ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi sống, giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, hạn chế đồ ngọt, nhiều đường, muối.
  • Chia nhỏ bữa ăn, ăn đúng giờ, không bỏ bữa sáng để kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể.

béo phì có cần có chế độ ăn kiêng hợp lý

Thay thế bằng chất béo tốt 

Nhiều người lầm tưởng rằng loại bỏ hoàn toàn chất béo khỏi khẩu phần ăn sẽ giúp giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm! Cơ thể chúng ta vẫn cần một lượng chất béo nhất định để duy trì nguồn năng lượng và nuôi dưỡng cơ bắp. Thay vì loại bỏ hoàn toàn, hãy thay thế chất béo xấu bằng chất béo tốt để phòng ngừa béo phì hiệu quả.

Chất béo tốt có trong: 

  • Dầu thực vật: Dầu hạt lanh, dầu hạt hướng dương, dầu đậu nành, dầu oliu… là những nguồn cung cấp chất béo tốt dồi dào.
  • Trái cây và rau củ: Bơ (giàu kali và vitamin E), cà chua (chứa beta-carotene và lycopene) là những lựa chọn tuyệt vời.

Chất béo tốt sẽ giúp no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả, giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt, bảo vệ tim mạch.

Chế độ sinh hoạt lành mạnh

Giờ giấc sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân nặng hợp lý. Vậy nên, hãy duy trì lối sống khoa học: 

  • Ngủ đủ giấc: Duy trì ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
  • Tránh thức khuya: Hạn chế thức khuya, tạo thói quen ngủ đều đặn để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Ăn sáng đầy đủ: Ăn sáng cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động cả ngày, giúp bạn kiểm soát cơn đói và hạn chế ăn vặt.

Kiểm soát tâm trạng

Khi căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone cortisol, kích thích cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt, để cải thiện tâm trạng tạm thời.

Thực hành thiền, yoga, dành thời gian cho sở thích như nghe nhạc, đọc sách, vẽ tranh,..; chia sẻ với người thân, bạn bè về những khó khăn gặp phải,… là cách để giải tỏa căng thẳng, kiểm soát stress. 

Tăng cường hoạt động thể chất

Tập luyện giúp đốt cháy calo dư thừa, tạo ra “thiếu hụt calo” – yếu tố then chốt để giảm cân. Một số gợi ý hoạt động thể chất để giảm cân:

tập thể dục thể thao đều đặn để phòng ngừa béo phì

Tập gym:

  • Lượng calo đốt cháy: 200 – 800 calo/giờ (tùy thuộc vào bài tập, cường độ và trọng lượng cơ thể)
  • Ưu điểm: Giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ đốt cháy calo hiệu quả, có thể tập luyện nhiều bài tập đa dạng.
  • Nhược điểm: Cần có dụng cụ tập luyện, có thể tốn kém chi phí nếu tập luyện tại phòng gym.

 Bơi lội:

  • Lượng calo đốt cháy: 300 – 700 calo/giờ (tùy thuộc vào kiểu bơi, tốc độ và trọng lượng cơ thể)
  • Ưu điểm: Bài tập toàn thân, tác động đến nhiều nhóm cơ, ít gây áp lực lên khớp, tốt cho hệ tim mạch và hệ hô hấp.
  • Nhược điểm: Cần biết bơi và có thể tốn kém chi phí nếu tập luyện tại hồ bơi.

Đạp xe:

  • Lượng calo đốt cháy: 200 – 600 calo/giờ (tùy thuộc vào tốc độ, địa hình và trọng lượng cơ thể)
  • Ưu điểm: Hiệu quả đốt cháy calo cao, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, hệ hô hấp, và hệ xương khớp, ít gây áp lực lên khớp.
  • Nhược điểm: Cần có xe đạp, cần lưu ý an toàn khi tham gia giao thông.

 Chạy bộ:

  • Lượng calo đốt cháy: 400 – 800 calo/giờ (tùy thuộc vào tốc độ, địa hình và trọng lượng cơ thể)
  • Ưu điểm: Hiệu quả đốt cháy calo cao, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, hệ hô hấp, và hệ xương khớp.
  • Nhược điểm: Có thể gây áp lực lên khớp, cần lưu ý khởi động kỹ và tập luyện đúng cách để tránh chấn thương.

Đi bộ:

  • Lượng calo đốt cháy: 100 – 300 calo/giờ (tùy thuộc vào tốc độ, địa hình và trọng lượng cơ thể)
  • Ưu điểm: Dễ dàng thực hiện, phù hợp với mọi lứa tuổi, không cần dụng cụ, có thể kết hợp với nghe nhạc, podcast,…
  • Nhược điểm: Hiệu quả đốt cháy calo thấp hơn so với các môn thể thao khác.

Có thể nói, béo phì giống như một “đại dịch” đang xâm chiếm toàn thế giới và gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy kinh khủng về sức khỏe và kinh tế – xã hội. Hi vọng, thông qua những điều cần biết về tình trạng béo phì nói trên chúng ta sẽ có thêm hiểu biết về béo phì để sớm kiểm soát và bảo vệ sức khỏe bằng những biện pháp giảm cân an toàn, hiệu quả.

3 thoughts on “Béo phì: Kẻ thù “lặng thầm” của sức khỏe nhân loại và những điều cần biết

  1. Pingback: Thừa cân là gì? Tổng hợp những thông tin cần biết về thừa cân, béo phì - TINH LA SEN OB - Tinh hoa thiên nhiên Việt

  2. Pingback: Hiểm họa béo phì ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách nhận biết - TINH LA SEN OB - Tinh hoa thiên nhiên Việt

  3. Pingback: Béo phì ảnh hưởng đến xương khớp ra sao?  - TINH LA SEN OB - Tinh hoa thiên nhiên Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn Mua online Nhà thuốc